Sức khỏe sinh sản

Lạc nội mạc tử cung và các thông tin bạn cần phải biết để tránh vô sinh hiếm muộn
Lạc nội mạc tử cung có thể gây vô sinh ở nữ giới do tổn thương ống dẫn trứng, vòi trứng. Thông thường cứ 10 chị em thì sẽ có 1 người gặp vấn đề bệnh lý này. Nhưng bạn đã hiểu rõ về tình trạng lạc nội mạc tử cung chưa? Hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây để có phương pháp phòng tránh và điều trị hợp lý.
1/ Lạc nội mạc tử cung là gì?
Nội mạc tử cung là chỉ lớp niêm mạc lót bên trong tử cung, Trong một chu kỳ kinh nguyệt thì lớp niêm mạc này sẽ phát triển và bong ra nếu không có phôi thai làm tổ. Điều này khiến cho bạn gặp hiện tượng ra máu mỗi kỳ kinh nguyệt.
Lạc nội mạc tử cung chính là tình trạng các mô tương tự như lớp niêm mạc bên trong tử cung phát triển ở bên ngoài hoặc ngay tại tử cung. Thông thường chúng sẽ xuất hiện trên các cơ quan khác bên trong khung chậu hoặc khoang bụng.
Các khối u lạc nội mạc tử cung có thể sưng lên và chảy máu, tương tự như cách niêm mạc bên trong tử cung hoạt động hàng tháng. Việc này sẽ dẫn đến hiện tượng chảy máu bên trong khung chậu và đau bụng khi tới chu kỳ kinh nguyệt.
- Đối tượng dễ mắc bệnh lạc nội mạc
Khi bạn bắt đầu có chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên thì đều có thể gặp phải tình trạng lạc nội mạc này. Tuy nhiên nó phổ biến ở độ tuổi từ 30 - 40 tuổi. Ngoài ra các đối tượng su sẽ có nguy cơ mắc cao hơn như:
- Chưa từng sinh con
- Chu kỳ kinh ngắn dưới 27 ngày
- Ngày hành kinh kéo dài hơn 7 ngày
- Gia đình có tiền sử bị lạc nội mạc tử cung
- Mắc một bệnh lý ngăn chặn dòng chảy bình thường của máu kinh ra khỏi cơ thể trong kỳ kinh nguyệt.
- Các giai đoạn bệnh
Các giai đoạn bệnh lý lạc nội mạc được chia không dựa trên mức độ nặng nhẹ của triệu chứng mà nó chia theo các giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1 - rất nhẹ: Có một vài mô cấy nhỏ trên các cơ quan hoặc mô lót vùng chậu/bụng. Có ít hoặc không có mô sẹo.
- Giai đoạn 2 - nhẹ: Có nhiều mô cấy hơn so với giai đoạn 1 và nằm sâu hơn trong mô, có thể có một số mô sẹo.
- Giai đoạn 3 - trung bình: Có nhiều mô cấy sâu, đồng thời xuất hiện u nội mạc tử cung và mô sẹo xung quanh buồng trứng hoặc vòi tử cung.
- Giai đoạn 4 - nặng: Đây là giai đoạn lan rộng nhất, lúc này sẽ có nhiều mô cấy sâu và kết dính dày. Kèm theo mô sẹo dính xung quanh buồng trứng, vòi tử cung hoặc giữa tử cung và phần dưới của ruột.

2/ Dấu hiệu lạc nội mạc tử cung
Mỗi một chị em sẽ có dấu hiệu, triệu chứng bệnh khác nhau. Có người sẽ có dấu hiệu nhẹ, có người sẽ có những dấu hiệu nặng hơn. Tuy nhiên bạn sẽ thường gặp các cơn đau - dấu hiệu phổ biến nhất mà ai cũng trải qua:
- Đau bụng kinh - cơn đau có thể trở nên nặng dần theo thời gian.
- Đau mạn tính vùng lưng dưới và xương chậu.
- Đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục, chúng thường là một cơn đau “sâu”, khác với cảm giác đau ở phía ngoài âm đạo khi tiếp nhận dương vật.
- Đau ruột.
- Đau khi đi đại tiện hoặc tiểu tiện trong thời kỳ kinh nguyệt. Một số trường hợp đặc biệt bạn sẽ thấy máu lẫn trong phân hoặc nước tiểu.
- Lạc nội mạc tử cung có khả năng ảnh hưởng đến các dây thần kinh kết nối với háng, hông và chân, khiến bạn khó đi lại. Vậy nên có thể trong chu kỳ kinh nguyệt bạn sẽ cảm thấy đau chân và di chuyển khó khăn.
- Ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt.
Ngoài việc gây đau đớn thì bạn có thể gặp các vấn đề về dạ dày, tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, đầy bụng hoặc buồn nôn. Tình trạng này có thể đặc biệt nghiêm trọng trong kỳ kinh nguyệt.
Hiện nay có rất nhiều chị em bị lạc nội mạc tử cung mà không xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào. Vậy nên, để ngăn ngừa và phát hiện bệnh kịp thời thì bạn nên đi thăm khám định kỳ 6 tháng 1 lần.
3/ Nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung
Hiện nay các chuyên gia sức khỏe vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ra bệnh lý lạc nội mạc tử cung. Tuy nhiên nó có thể do các nguyên nhân như sau:
- Dòng kinh chảy ngược: Mô kinh nguyệt chảy ngược qua ống dẫn trứng và lắng đọng trên các cơ quan vùng chậu, sau đó sinh sôi và phát triển thành các khối u lạc nội mạc. Các chuyên gia cho rằng đây có thể là nguyên nhân chính gây ra bệnh lý này.
- Di truyền: Nếu người thân trong gia đình gặp lạc nội mạc thì bạn cũng sẽ có khả năng cao gặp bệnh lý này.
- Hệ miễn dịch bị lỗi sẽ không nhận ra và phá hủy các mô nội mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung.
- Nội tiết tố: Nồng độ hormone estrogen trong cơ thể tăng cao cũng sẽ là nguyên nhân gây ra tình trạng lạc nội mạc tử cung.
- Viêm nhiễm sau phẫu thuật: Một số thủ thuật vùng bụng như mổ lấy thai hoặc cắt bỏ tử cung dễ khiến các mô nội mạc tử cung hình thành và phát triển do viêm nhiễm.

4/ Phương pháp điều trị lạc nội mạc tử cung
Khoảng 40% phụ nữ khó mang thai được chẩn đoán mắc bệnh lạc nội mạc tử cung. Các chuyên gia y tế cho rằng lạc nội mạc sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng của noãn hoặc tinh trùng khiến chúng khó di chuyển hơn. Và viêm dính có thể làm tắc vòi tử cung nên khả năng mang thai sẽ thấp hơn.
Không chỉ vậy, tình trạng đau do lạc nội mạc tử cung còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Một số bạn đau đến mức trầm cảm, lo âu, phải mất thời gian nghỉ ngơi mỗi khi tới chu kỳ kinh nguyệt.
Ngoài ra nếu không được điều trị kịp thời thì có thể sẽ dẫn tới nguy cơ ung thư buồng trứng, ung thư vú và ung thư biểu mô tuyến.
Hiện nay vẫn chưa có cách chữa dứt điểm bệnh lý này hoàn toàn. Tuy nhiên bạn có thể thử một số phương pháp giúp cải thiện tình trạng này như:
- Điều trị nội khoa (uống thuốc)
Bạn có thể dùng thuốc chống viêm để giảm đau như thuốc chống viêm không steroid (NSAID): ibuprofen (Advil, Motrin) hoặc naproxen (Aleve). Nếu những loại thuốc này không giúp bạn bớt đau, hãy kết hợp với các phương pháp hỗ trợ như:
- Tắm nước ấm
- Chườm nóng
- Tập thể dục đều đặn
- Châm cứu
- Massage bụng mỗi khi tới kỳ kinh
- Điều trị nội tiết
Làm giảm lượng estrogen mà cơ thể tạo ra, giúp các mô cấy chảy máu ít hơn, từ đó ngăn ngừa tình trạng viêm, dính và hình thành u nang. Tuy nhiên phương pháp này sẽ có thể làm cho chu kỳ kinh nguyệt của bạn không được đều.
Các bác sĩ có thể sẽ kê đơn cho bạn một số loại thuốc để giảm nồng độ hormone estrogen:
- Viên tránh thai kết hợp
- Thuốc progestin cần được bác sĩ kê đơn và sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
- Phẫu thuật bảo tồn
Nếu khi bạn áp dụng 2 phương pháp trên mà không có hiệu quả thì bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành phẫu thuật bảo tồn. Phẫu thuật này là loại bỏ hoặc phá hủy sự phát triển của nội mạc tử cung mà không làm tổn thương cơ quan sinh sản.
Bác sĩ sẽ thường phẫu thuật nội soi ổ bụng để giảm thiểu xâm lấn mà vẫn bóc tách được các khối lạc nội mạc tử cung. Và có thể cắt bỏ các khối u đang phát triển. Bên cạnh đó biện pháp đốt laser cũng thường được sử dụng với tình trạng bệnh lý này.
- Phẫu thuật cắt bỏ tử cung
Nếu tình trạng bệnh không được cải thiện khi đã áp dụng 3 cách trên thì lúc này các bác sĩ sẽ đề nghị bạn cắt bỏ toàn bộ tử cung. Khi cắt hoàn toàn tử cung, bạn sẽ không thể mang thai được nữa. Chính vì thế, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi tiến hành phương pháp này, nhất là khi bạn còn trong độ tuổi lập gia đình và sinh con.
Bác sĩ sẽ cắt hoàn toàn tử cung, cổ tử cung hoặc cả buồng trứng vì các cơ quan này tạo ra estrogen - nguyên nhân gây ra nội mạc tử cung. Ngoài ra, bác sĩ còn loại bỏ các mô bị tổn thương xung quanh.

5/ Các câu hỏi liên quan tới lạc nội mạc tử cung
5.1 Lạc nội mạc tử cung có các loại nào?
Dựa vào vị trí khởi phát bệnh mà người ta chia lạc nội mạc tử cung thành 3 loại sau:
- Tổn thương phúc mạc bề ngoài: Bạn sẽ thấy xuất hiện tổn thương trên màng bụng - là một màng mỏng che phủ mặt trong ổ bụng, các tạng trong bụng và khoang chậu. Đây được cho là loại lạc nooij mạc phổ biến và nhiều chị em gặp nhất hiện nay.
- U nội mạc tử cung (tổn thương buồng trứng): Những u nang sẫm màu, chứa đầy chất lỏng hình thành sâu trong buồng trứng của người bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời chúng có thể làm hỏng các mô khỏe mạnh xung quanh.
- Nội mạc tử cung xâm nhập sâu: Vị trí của loại này là ở dưới phúc mạc và gây tổn thương đến các cơ quan gần tử cung như ruột hoặc bàng quang. Tuy nhiên loại này hiếm gặp thường chỉ khoảng 1 – 5% phụ nữ gặp phải chúng.
5.2 Lạc nội mạc tử cung có nguy hiểm không?
Lạc nội mạc nếu được điều trị sớm thì sẽ không gây nguy hiểm và nó được cho là một loại bệnh lý lành tính. Tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì chúng sẽ tiếp tục tăng trưởng và gây ra một loạt vấn đề như:
- Khi khối u bao phủ sẽ làm tắc ống dẫn trứng hoặc làm tổn thương buồng trứng.
- U nang có thể sẽ hình thành nếu máu bị kẹt trong buồng trứng lâu ngày.
- Các cơn đau bụng kinh sẽ kéo dài và dần chuyển biến nặng hơn mỗi lần bạn đến hành kinh.
- Hình thành mô sẹo và kết dính (loại mô có khả năng liên kết các cơ quan với nhau). Đây là nguyên nhân gây đau vùng chậu và khiến người bệnh khó thụ thai.
- Các vấn đề về ruột và bàng quang.

5.3 Chẩn đoán lạc nội mạc tử cung bằng cách nào?
Để biết chính xác bạn có bị lạc nội mạc hay không các bác sĩ sẽ dựa trên mô tả dấu hiệu của bạn. Ngoài ra bạn sẽ được chỉ định thực hiện các thăm khám sau:
- Khám vùng chậu: Bác sĩ sờ thấy u trong tiểu khung, di động hạn chế hoặc dính, đau khi di động..
- Các chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm, chụp CT hoặc MRI giúp tạo ra hình ảnh chi tiết về các cơ quan sinh sản.
- Nội soi ổ bụng: Nhằm xác định được vị trí và mức độ tổn thương của u nội mạc tử cung. Đây là cách giúp chẩn đoán chính xác bạn có mắc bệnh hay không.
- Sinh thiết: Bác sĩ sẽ tiến hành nội soi ổ bụng để lấy một mẫu mô, sau đó mang đi xét nghiệm nhằm chẩn đoán bệnh.
5.4 Cách phòng tránh lạc nội mạc tử cung
Để ngăn ngừa lạc nội mạc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe sinh sản thì bạn có thể thực hiện các cách phòng tránh sau:
- Giảm nồng độ hormone estrogen trong cơ thể bằng cách nhờ bác sĩ tư vấn về các phương pháp ngừa thai bằng nội tiết tố. Như thuốc viên, miếng dán hoặc vòng tránh thai nội tiết.
- Tập thể dục thường xuyên để duy trì tỷ lệ phần trăm chất béo trong cơ thể ở ngưỡng cho phép. Kết hợp tập thể dục và giảm lượng chất béo sẽ giúp giảm nồng độ estrogen trong cơ thể. Nên tập ít nhất 4 giờ/1 tuần để đảm bảo hiệu quả nhất.
- Tránh uống nhiều rượu: Vì rượu làm tăng nồng độ estrogen do đó, bạn không nên uống nhiều hơn 1 ly mỗi ngày.
- Hạn chế đồ uống chứa caffeine: Như soda, trà xanh… do chúng có thể làm tăng nồng độ estrogen trong cơ thể.
5.5 Lạc nội mạc tử cung có hết sau mãn kinh không?
Đối với đa số phụ nữ, các triệu chứng đau do lạc nội mạc tử cung được cải thiện đáng kể sau khi trải qua thời kỳ mãn kinh. Đó là do khi cơ thể ngừng sản xuất hormone estrogen, u nội mạc tử cung sẽ phát triển chậm lại.
Nhưng một số trường hợp đặc biệt khi bạn đã mãn kinh nhưng vẫn có các dấu hiệu lạc nội mạc. Lúc này để đảm bảo an toàn cho sức khỏe thì bạn nên tới ngay các cơ sở y tế để thăm khám và có phương pháp điều trị kịp thời.
Trên đây là các thông tin tổng quan về lạc nội mạc tử cung, hy vọng dã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh lý này. Nếu cần giải đáp các câu hỏi liên quan hoặc đặt lịch thăm khám và tư vấn, bạn chỉ cần để lại thông tin tại FORM MẪUhoặc liên hệ Hotline. Đội ngũ bác sĩ và tổ chuyên môn của chúng tôi sẽ hỗ trợ bạn miễn phí và nhanh nhất.
—----------------------------
DR THÀNH SƠN
GIEO MẦM HẠNH PHÚC
Địa chỉ: Lô 29, dự án 319, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội
Thời gian làm việc: từ 17h - 19h30 tất cả các ngày trong tuần, trừ ngày Lễ Tết
Hotline: 078.666.9696
Facebook: DR Thành Sơn